CÁCH PHÂN BIỆT CÁC LOẠI NHỰA DỰA VÀO KÍ HIỆU DƯỚI ĐÁY CHAI
Chai, hộp nhựa được sử dụng hàng ngày trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình. Dưới đáy chai, hộp nhựa đều có ký hiệu riêng, bạn cần biết để phân biệt các loại nhựa. Nhựa nào là an toàn, có thể tái chế và nhựa nào không nên sử dụng nhiều lần.
Số 1 – PET hay còn gọi là PETE: Đây là loại thông dụng thường được dùng để sản xuất các mặt hàng như chai nước khoáng, chai nước ngọt,...
Loại nhựa này có thể rò rỉ vào trong nước kim loại antimony (antimon) và oxit chì rất độc hại cho con người. Nhất là khi dùng chai nhựa pet đựng nước nóng hay để trong môi trường có nhiệt độ cao. Nhựa PET có thể rò rỉ các chất độc hại như đã kể trên. Các chất này làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hóc-môn trong cơ thể. Ngoài ra, các nhà khoa học còn khuyến cáo không nên tái sử dụng chai nhựa PET vì nó khó làm sạch và có thể chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, mức độ tái chế của chúng cũng rất thấp (chỉ khoảng 20%). Vì thế nên sau khi dùng xong tốt nhất hãy bỏ đi.
Số 2 – HDP hay HDPE: Là loại nhựa nhiệt dẻo mật độ cao không trong suốt mà thường mờ đục. Nhựa HDPE chuyên được dùng để làm chai đựng dầu gội, chai sữa tắm, chai đựng dầu nhớt, đồ chơi, túi cứng,...
Sản phẩm nhựa làm từ HDPE được xem là an toàn nhất trong số các loại nhựa được liệt kê trong bài viết này. Loại nhựa này không thải ra chất độc hại nào vì thế các chuyên gia thường khuyên lựa chọn các loại chai HDP khi mua hàng. Chúng cũng dễ tái chế nhất nhưng thường chỉ nhận tái chế HDPE thuần (không có màu).
Số 3 – PVC hay 3V: PVC thường được biết đến là loại nhựa mềm và dẻo được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, chai đựng dầu ăn, đồ chơi và rất nhiều sản phẩm khác. PVC khá phổ biến nhưng chúng có chứa 2 loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến hóc-môn cơ thể. Chất này có thể giải phóng chất độc khi ở nhiệt độ cao, nên chỉ được phép đựng thực phẩm hoặc đồ uống dưới 810C. Nhựa PVC tương đối rẻ nên được các nhà sản xuất chuyên dùng nhưng đối với người tiêu dùng thì không nên tái sử dụng nó.
Số 4 – LDPE: Đây là nhựa dẻo mật độ thấp khá phổ biến ở hộp mì, vỏ bánh, hộp chứa thực phẩm hay các loại túi nhựa có thể giặt khô và sử dụng lại. Đây được đánh giá là loại nhựa an toàn nhất do không phân giải ra các chất có hại nên bạn có thể tái sử dụng chúng.
Tuy nhiên, do nó vẫn là loại nhựa có độ dẻo cao và được sử dụng để sản xuất ra các loại túi hay chai khá mỏng nên khuyến cáo vẫn không nên để ở môi trường có nhiệt độ cao.
Số 5 – PP: Đây là loại nhựa màu trắng hoặc gần như trong suốt, thường xuất hiện ở hộp sữa chua, cốc cà phê, chai đựng siro, tương ớt,…. Chất này bền và nhẹ, chịu được ở nhiệt độ 1670C nên có thể tái sử dụng. Nhờ những đặc tính này mà nhựa PP thường được sử dụng để đựng đồ ăn nóng, hay được sử dụng để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Đồng thời nó rất an toàn nên bạn hoàn toàn có thể tái sử dụng nhiều lần.
Số 6 – PS: Đây là loại nhựa rẻ và nhẹ có thể tìm thấy trên vỏ một số hộp đựng đồ ăn nhanh, cốc uống nước, hộp đựng trứng và dao đĩa thìa picnic. Dù chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh đáng kể, nhưng ở nhiệt độ cao như lò vi sóng chúng có thể giải phóng chất độc hại. Ngoài ra, cũng không được dùng đựng đồ có chất acid mạnh, chất kiềm mạnh. Chính vì thế, loại nhựa này không được phép dùng để đựng đồ ăn thức uống lâu dài.
Số 7 – PC hoặc không có kí hiệu: Loại nhựa này thường có ở các bình đựng nước có dung tích lớn, các can lớn, bình sữa cho trẻ và đặc biệt nó được dùng để sản xuất trong công nghiệp như kính mắt, vỏ điện thoại, DVD… Loại nhựa số 7 này là loại nhựa nguy hiểm nhất, dễ dàng sinh ra chất có thể gây ra ung thư và vô sinh BPA, rất nguy hại tới sức khỏe. Bởi vậy, bạn tuyệt đối không nên tái chế hay sử dụng lại loại nhựa này.
Trên là thông tin cần thiết vì có liên quan đến sức khỏe của chúng ta. Vì vậy, mọi người nên đặc biệt chú ý những ký hiệu vô cùng quan trọng này, để có sự lựa chọn thích hợp và an toàn cho sức khỏe.