WeWork trượt dốc từ startup 47 tỷ USD đến nguy cơ phá sản như thế nào
Mới chỉ 6 tuần trước đây, WeWork còn là startup công nghệ có giá trị vốn hóa cao nhất nước Mỹ: 47 tỷ USD. Nhưng giờ công ty chia sẻ văn phòng đối mặt với nguy cơ phá sản.
Theo Business Insider, vào lúc 7h12 một buổi sáng mùa hè ở New York (Mỹ), hồ sơ đăng ký IPO của WeWork được đưa lên trang web của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Rất nhiều người mong chờ đọc hồ sơ có tên S-1 này. Đó là bước quan trọng và cần thiết để startup công nghệ giá trị nhất nước Mỹ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu.
Với giá trị vốn hóa của WeWork lên đến 47 tỷ USD, CEO Adam Neumann không chỉ muốn kiếm nhiều tiền từ dịch vụ chia sẻ văn phòng. Tham vọng của Neumann là “thay đổi cả thế giới”. Bởi WeWork là biểu tượng của sự liều lĩnh dường như chỉ tồn tại ở Silicon Valley, của một mô hình kinh doanh dường như vượt trên mọi quy luật kinh tế.
Ngay trong buổi sáng hôm đó, hàng nghìn nhà đầu tư và phóng viên tài chính lần đầu tiên được đọc những thông tin tài chính của WeWork để xác định liệu công ty chia sẻ văn phòng này có đang suôn sẻ trên con đường thống trị toàn cầu và kiếm lợi nhuận khổng lồ như CEO Neumann khẳng định hay không.
Sáu tuần trước đây WeWork được định giá 47 tỷ USD. Ảnh: Reuters.
Và ngay lập tức sự hỗn loạn bùng nổ. Trên mặt báo tràn ngập các bài viết phản ánh kết quả kinh doanh yếu kém của WeWork và phong cách quản trị kỳ quái của CEO Neumann.
Trong vòng 33 ngày sau đó, giá trị vốn hóa của WeWork sụt giảm tới 70% và Neumann từ chức CEO, giấc mộng trở thành tỷ phú 1.000 tỷ USD đầu tiên trên thế giới tan vỡ. Thậm chí đã có thông tin cho rằng WeWork đang đối mặt với nguy cơ phá sản.
Không ai ngờ startup "kỳ lân" lừng lẫy này lại "nát" nhanh đến như vậy. Những bộ óc thông thái của Silicon Valley và các nhà đầu tư quyền lực hàng đầu thế giới đã rót hàng tỷ USD vào WeWork, còn còn vụ cá cược nào chắc thắng hơn thế này?
CEO kỳ dị
Nhưng có hai điều đã thay đổi trong 9 năm kể từ khi Neumann tạo dựng "phép màu" WeWork. Đó là Theranos và Uber. Tập đoàn công nghệ y tế Theranos sụp đổ vì cáo buộc gian lận, còn cổ phiếu của Uber sụt giảm tới 30% kể từ khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) hồi tháng 5.
Và cú trượt dốc của WeWork cũng có nhiều điểm tương đồng. CEO WeWork Adam Neumann, 40 tuổi, nổi tiếng kỳ dị. Anh ta thường xuất hiện với mái tóc rối tung, mặc áo thun, quần jean, luôn có những phát ngôn kỳ quái.
Neumann thành lập WeWork hồi năm 2010. Với 12.500 nhân viên, dịch vụ cốt lõi của WeWork là thuê văn phòng theo hợp đồng dài hạn, sửa sang và chia nhỏ không gian để cho người làm việc tự do, công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp khác thuê lại theo hợp đồng ngắn hạn.
Neumann thường xuất hiện với áo phông và quần jean. Ảnh: Getty Images.
WeWork thuê không gian văn phòng theo hợp đồng 15 năm, trong khi có những khách hàng của hãng chỉ ký hợp đồng thuê lại 1 tháng trước khi chuyển đi.
Thực chất WeWork chỉ là một công ty bất động sản, nhưng Neumann luôn tô vẽ nó thành một startup công nghệ đầy sáng tạo và tự do. Anh ta xây dựng một thứ văn hóa kết hợp những giờ làm việc căng thẳng, đòi hỏi khắt khe với hàng loạt bữa tiệc rượu sôi nổi và phong cách hippie hoang dại.
Neumann thường đi chân đất trong văn phòng. Anh ta cấm nhân viên ăn thịt. Neumann cũng là một tay chơi. Các nhân viên WeWork cho biết anh ta nghiện rượu Tequila Don Julio 1942 (giá 149 USD/chai) và thường hút cần sa ngay trong văn phòng.
Chi tiêu vô tội vạ
WeWork thu hút hàng tỷ USD tiền đầu tư và trong những năm qua, Neumann tiêu sài rất xa hoa. Thời gian qua cựu CEO WeWork mua ít nhất 5 ngôi nhà, bao gồm một căn ở Greenwich trị giá 10,5 triệu USD, một tại Hamptons và một ở New York.
Năm 2017, Neumann chi 35 triệu USD mua 4 căn hộ trong cùng một tòa nhà ở Manhattan. Cựu CEO WeWork cũng mua chiếc chuyên cơ Gulfstream trị giá 60 triệu USD để sử dụng trong các chuyến bay đến Tokyo, Hong Kong, Hawaii, London, Panama, Dominican Republic và một số địa điểm khác. Những người kế nhiệm của Neumann đang rao bán chiếc máy bay này.
Cáo bạch IPO của WeWork tố cáo sự lập dị và hoang tưởng của Neumann. Nó mở đầu bằng tuyên bố: "Chúng tôi là một công ty cộng đồng có quyết tâm tạo ảnh hưởng toàn cầu. Sứ mệnh của chúng tôi là nâng cao nhận thức của thế giới".
WeWork nói về "năng lượng của chúng ta, ở bên trong chúng ta". Công ty cũng cam kết sẽ quyên góp 1 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu cho các hoạt động từ thiện và khẳng định sẽ bảo tồn 80 km2 rừng nhiệt đới.
Cựu CEO của WeWork thích đi chân đất và có những thói quen kỳ quặc. Ảnh: Getty Images.<
WeWork cũng được kỳ vọng trở thành khoản đầu tư mang tính biểu tượng của Masayoshi Son, CEO SoftBank. Doanh nhân Nhật Bản từng đổ hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp với hi vọng chúng sẽ chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, khoản đầu tư vào Uber không đem lại thành công như mong đợi.
Son và Neumann gặp nhau và trao đổi chưa đầy 30 phút vào năm 2016 trước khi CEO SoftBank quyết định đầu tư vào WeWork. Ông Son cam kết đầu tư 10,7 tỷ USD từ SoftBank và quỹ Vision Fund sở hữu 100 tỷ USD.
SoftBank đổ thêm 2 tỷ USD vào WeWork hồi tháng 1, nâng giá trị vốn hóa của công ty lên đến 47 tỷ USD. Một số ngân hàng còn cho rằng WeWork có thể đạt giá trị vốn hóa 63-100 tỷ USD.
Lỗ chồng lỗ
Mọi thứ thay đổi khi hồ sơ S-1 của WeWork được đưa lên mạng. Các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và phóng viên nghiên cứu nó và phát hiện một mớ bòng bong khổng lồ.
WeWork đã ký hợp đồng thuê không gian văn phòng lên tới 47 tỷ USD, nhưng mới chỉ đạt được các thỏa thuận cho thuê đem lại 4 tỷ USD. Lỗ năm 2018 lên đến 1,9 tỷ USD. Để kiếm được 1 USD, WeWork phải chi 2 USD. Trong nửa đầu năm nay, lỗ đã lên đến 904 triệu USD.
"Chúng tôi có lịch sử thua lỗ và kể cả khi tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ hiện tại, chúng tôi nhiều khả năng sẽ không có lãi trong tương lai gần", WeWork thừa nhận trong cáo bạch. Ngoài ra, hồ sơ còn cho thấy hàng loạt hành vi tài chính đáng ngờ của Neumann.
Ngay trong ngày, cả Financial Times và Wall Street Journal nhận định WeWork sẽ phải giảm đáng kể định giá để thu hút các nhà đầu tư. Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của WeWork xuống mức "rác".
CEO SoftBank quyết định đầu tư vào WeWork chỉ sau cuộc trò chuyện 30 phút với Neumann. Ảnh: Reuters.
Giáo sư tiếp thị Scott Galloway của Đại học New York dùng từ dung tục "WeWTF" để mô tả WeWork. Bất chấp những thông tin tiêu cực, các lãnh đạo WeWork vẫn kỳ vọng vào cơ hội IPO thuận lợi.
Nhưng truyền thông tiếp tục tấn công dồn dập. Financial Times đăng bài viết: "Hãy coi chừng bàn tay chết chóc của nhà sáng lập". Cây bút Kara Swisher của New York Times đặt câu hỏi: "WeWork: Có ai còn ở đó không?". Một bài viết khác của Financial Times mở đầu với kết luận: "Sự hoang tưởng ở WeWork che giấu một mô hình kinh doanh đầy khuyết điểm".
"Sự thổi phồng là một trong những phẩm chất kỳ ảo nhất của ngành công nghệ. Giống như Uber và Lyft, không ai biết hoạt động kinh doanh của họ có thực sự hiệu quả", cây bút Elaine Moore của Financial Times bình luận.
Lao dốc nhục nhã
Những sức ép dữ dội khiến WeWork oằn mình. Tháng 9, có tin WeWork tính bán cổ phiếu với giá thấp hơn 50% so với kỳ vọng ban đầu, đẩy giá trị vốn hóa của hãng xuống còn 20-30 tỷ USD. Đó bị coi là cú lao dốc vô cùng nhục nhã với startup "kỳ lân" lừng lẫy suốt bao năm qua.
Ngày 8/9, giá trị vốn hóa của WeWork tiếp tục bị kéo tụt xuống dưới 20 tỷ USD. SoftBank bắt đầu gây sức ép buộc CEO Neumann từ bỏ kế hoạch IPO. Đổ 10 tỷ USD để mua 29% cổ phần WeWork, nhà đầu tư Son rất muốn một chiến thắng vang dội. Nhưng tất cả đã trễ.
The Economist xác định WeWork đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Ảnh: Nikkei.
WeWork tiếp tục bị định giá thấp hơn, chỉ còn 10-12 tỷ USD. Neumann vẫn quyết thực hiện IPO. Anh ta khẳng định sẽ huy động được 6 tỷ USD từ các ngân hàng. Ban lãnh đạo WeWork tuyên bố sẽ IPO vào cuối năm.
Nhưng rốt cuộc tất cả đã sụp đổ. Chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài chôn vùi WeWork là Wall Street Journal đăng bài tố cáo Neumann nghiện rượu và thường xuyên chơi cần sa. Giới đầu tư cạn sự kiên nhẫn với Neumann.
SoftBank gây sức ép buộc Neumman từ chức CEO. Kế hoạch IPO sau đó bị hủy bỏ. Hai CEO thay thế Neumann là Sebastian Gunningham và Artie Minson cho biết sẽ sa thải hàng nghìn nhân viên, tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, tìm cách khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cơ hội của WeWork có lẽ đã hết. The Economist đánh giá startup này "có khả năng phá sản".